Posted: July 24, 2019
“Thế gian này cần nghe lời làm chứng của chúng ta hơn bao giờ hết. Đã đến lúc để tỏ ra cho thế gian biết Chúa là con đường duy nhất dẫn đến sự bình an. Đã đến lúc chúng ta đi ra theo lời mà Chúa dạy.”
Đó là lời mở đầu của Ron Sider trước hội đồng Mennonite thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Strasbourg, nước Pháp năm 1984, chính thức thành lập “Cơ đốc nhân vì hòa bình”, một tổ chức đấu tranh cho hòa bình thông qua những hoạt động ôn hòa.
Đại hội đồng được tổ chức sáu năm một lần. Dù chỉ quy tụ một phần nhỏ của đại gia đình Mennonite, “Đây là một cơ hội vô cùng quý giá để chúng ta kết nối với các cơ đốc nhân trên thế giới” – trích lời của tổng thư ký Mennonite thế giới, César García.
Được gặp gỡ bạn bè từ mọi nơi trên thế giới, cùng nhau thờ phượng, học tập cũng như tham quan thắng cảnh địa phương là một trải nghiệm khó quên đối với mỗi đại biểu tham dự.
“Mỗi kì đại hội là một lời nhắc nhở về tinh thần hiệp nguyện và học hỏi lẫn nhau, qua đó mang đến làn gió đổi mới cho mỗi cá nhân, mỗi hội thánh.” Ông César nói.
Qua 16 kì đại hội, vô số đại biểu đã đặt ra những vấn đề quan trọng làm thay đổi cả lịch sử hội thánh.
“Hội thánh Chúa có đủ dũng cảm để từ bỏ thái độ thờ ơ bấy lâu nay, và bắt tay vào công cuộc đấu tranh cho hòa bình của nhân loại? Liệu chúng ta có đủ dũng khí để bước theo Chúa Jesus, Đấng đã hy sinh trên cây thập tự vì nhân loại, và hoàn thành sứ mệnh hàn gắn con người mà Ngài đã truyền dạy?” Đại biểu Ron Sider nói.
Năm 1978, trong kì đại hội đồng diễn ra ở Wichita, Kansas, USA, đại biểu Albert Widjaja từ Indonesia đã nêu lên những vấn đề cấp thiết về kinh tế và khí hậu vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
“Để xây dựng vương quốc của Chúa trên đất, mỗi con cái Chúa phải thể hiện tình yêu thương với mọi người xung quanh, thể hiện sự quan tâm đến những người đang phải chịu đau khổ và bị áp bức, và mang công bình đến cho những người phải chịu bất công.” Alberta Widjaja nói.
“Hội thánh không thể giữ thái độ trung lập, thờ ơ trước những việc bất công đang xảy ra trên thế giới. Chúng ta cần nhân danh Chúa và hành động, vì sứ điệp của Chúa là hãy đi ra và tỏ cho thế gian biết về vương quốc Ngài.”
Năm 2009 tại Paraguay, đại biểu Nzuzi Mukawa từ Congo tiếp tục nhắc lại sứ điệp này: “Trong kinh thánh, tiên tri Michê đã dạy dân sự không thể thờ phượng Chúa mà làm ngơ trước những sự bất công trên thế gian.”
“Thời đại chúng ta đang sống ngày nay rất giống với thời của tiên tri Michê, và hội thánh cũng phải có một thái độ tương tự như lời nhà tiên tri của Chúa đã dạy: Chúng ta phải sẵn lòng bước đi với Chúa, phải đấu tranh vì sự công bằng và hòa bình của nhân loại. Những mục tiêu trên phải là một phần quan trọng tronng sứ mệnh của Hội thánh.” Đại biểu Nzuzi kêu gọi.
“Chúng ta phải bắt đầu việc đó bằng cách tự nhìn lại tình trạng của hội thánh. Chúng ta vẫn còn thiếu sót trong việc phong chức cho nữ mục sư, trong việc chấp nhận đại biểu từ các dân tộc thiểu số, trong việc bảo trợ và giúp đỡ trẻ em và phụ nữ trước nạn bạo hành trong gia đình cũng như bị xâm hại. Chúng ta vẫn chưa làm tròn trách nhiệm trong việc vận động giúp đỡ cho những quốc gia nghèo thoát nợ, cũng như lên án việc gây ô nhiễm môi trường của những quốc gia phát triển.”
Một thông điệp khác quan trọng không kém cũng đã được đại biểu Remilyn Mondez của Philippines đề cập trong kì đại hội năm 2015 tại Harrisburg, Pennsylvania: Tình trạng chia rẽ mất đoàn kết của hội thánh.
“Liệu Chúa có đẹp lòng khi nhìn thấy hội thánh của Ngài bị chia rẽ? Những đấu tranh nội bộ, sự mất đoàn kết và những mâu thuẫn không thể hàn gắn đã và đang làm hội Thánh Ngài suy yếu. Liệu Chúa có vui lòng khi thấy chúng ta tiếp tục ở trong tình trạng như vậy?”
Kì đại hội lần thứ 17 sắp tới diễn ra tại Semarang, Indonesia từ ngày 6 đến ngày 11 tháng Sáu năm 2021 với chủ đề: “Bước theo Chúa” hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bài học quý báu hơn nữa cho hội thánh.
Tin tức từ Hội Đồng Mennonite Thế Giới.
To read in English, click here.
Join the Conversation on Social Media
FacebookTwitterInstagramFlickrYouTube